Dịch thuật hiện đang có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống. Đặc biệt, trong kinh doanh nói riêng, dịch thuật nắm giữ vai trò chủ chốt, có thể tác động đến doanh số bán hàng, giúp công ty bán được nhiều sản phẩm, dịch vụ hơn, đồng thời cũng có thể giết chết một công ty. Dưới đây là một số cái tên quen thuộc trên thị trường đã từng gặp trắc trở trong làm ăn chỉ bởi những sai phạm trong dịch thuật.
Là một trong những nhãn hiệu đồ uống nổi tiếng nhất trên thị trường ngày nay, thế nhưng, khi lần đầu gia nhập thị trường đồ uống tại Trung Quốc, Coca-cola đã thất bại ngay khi cái tên của nó xuất hiện tại đây chỉ bởi cái ý nghĩa không mấy hay ho của từ “Coca-cola” khi được dịch sang tiếng Trung. Ban đầu, từ “Coca-cola” được phiên âm là “Ke-kou-ke-la”, tức “Cắn con nòng nọc sáp” hay “Con ngựa cái nhồi sáp” tùy theo từng địa phương. Hậu quả là, thức uống dễ gây nghiện trên thị trường này lại bị dân địa phương cho là đáng kinh tởm và đã bị tẩy chay ngay lập tức. Khi không thể bán nổi sản phẩm và đứng trước nguy cơ bị sụp đổ tại thị trường Trung Quốc, tổng công ty Coke đã nghĩ ra việc thay cách phiên âm khác cho từ “Coca-cola” và rất may mắn khi tìm được phiên âm gần giống “ko-kou-ko-le” (hạnh phúc trên môi). Nhờ vậy mà Coca-cola đã có thể sống sót được tại thị trường nơi đây, được người dân chào đón và ưa chuộng hơn.
Coca-cola tại thị trường Trung Quốc
Câu chuyện bi hài tương tự cũng xảy đến với Kentucky Fried Chicken với khẩu hiệu “finger-lickin’ good” (vị ngon trên từng ngón tay). Thật không may khi khẩu hiệu này trong tiếng Trung lại được hiểu là “Hãy ăn cả tay của bạn”. Có thể nói đây chính là bài học nhớ đời cho thương hiệu gà rán KFC vốn nổi tiếng trên cả thị trường thế giới này.
Còn đối với Kinki Nippon Tourist Company - đại lý du lịch lớn thứ 2 tại thị trường Nhật Bản, khi thâm nhập vào những thị trường nơi tiếng Anh là ngôn ngữ bản địa, cái tên của đại lý này đã gây nhiều hoang mang và khó hiểu cho người dân. Sau đó, hãng bắt đầu nhận được những đơn đặt hàng cho một chuyến du lịch tình dục và hãng buộc phải thay đổi tên để tránh bị hiểu nhầm nghiêm trọng như vậy.
Một ví dụ khác nữa cũng cho thấy ảnh hưởng ghê gớm của việc dịch thuật sai đối với doanh số và cả việc kinh doanh chính là hãng General Motors - một thương hiệu ôtô nổi tiếng trên thế giới. Khi hãng này ra mắt dòng Chevy Nova tại miền Nam Mỹ, người dân nơi đây đã hiểu từ “no va” theo nghĩa “nó sẽ không chạy”, và hiển nhiên, chẳng ai lại sẵn lòng mua một chiếc ca mà không thể khởi động cả. Bởi vậy, General Motors hầu như không thể bán nổi sản phẩm tại những thị trường này. Cuối cùng, công ty phải đổi tên Chevy Nova thành Caribe thì mới có thể lấy lại được doanh số.
Chevy Nova tại thị trường Tây Ban Nha
Thực tế, tai nạn không ngờ tới này xảy ra trong mọi phân khúc thị trường và hoàn toàn có thể phá hủy cả một doanh nghiệp. Về một mức độ nào đó, những ví dụ này cũng đã minh chứng cho tầm quan trọng to lớn của dịch thuật đối với kinh doanh và thậm chí là đối với toàn bộ khía cạnh của đời sống. Bởi vậy, bất cứ khi nào cần đến dịch vụ dịch thuật, bạn cần phải luôn thận trọng để không bị rơi vào những tình huống dở khóc dở cười như vậy nữa.