Cùng với sự phát triển của hợp tác quốc tế sâu rộng như hiện nay, nhu cầu về phiên dịch ngày càng gia tăng và trở thành một phần không thể thiếu trong giao lưu, đàm phán quốc tế. Tuy nhiên, sự thông dụng của ngành phiên dịch không hề đồng nghĩa với việc bất cứ ai cũng có thể trở thành một phiên dịch viên hay ngành phiên dịch trở thành đại trà. Hơn thế, chỉ những phiên dịch viên giỏi mới có khả năng trụ vững trong nghề lâu dài được. Vậy làm thế nào để trở thành một phiên dịch viên giỏi? Muốn vậy, phiên dịch viên phải trang bị cho mình đầy đủ những yếu tố cần thiết sau:
✓ Ngoại ngữ thông thạo:
Đây là yêu cầu tiên quyết mà mỗi phiên dịch viên cần phải có. Bản chất của phiên dịch chính là truyền đạt ngôn ngữ gốc dưới dạng ngôn ngữ nguồn. Hơn thế, đây là dịch nói, dịch ngay khi người nói vừa kết thúc một câu hay một đoạn nói. Do đó, phản xạ nhanh là cực kì cần thiết. Và hiển nhiên, nếu muốn phản xạ nhanh thì thông thạo ngoại ngữ là điều bắt buộc bởi phiên dịch viên sẽ không có sự hỗ trợ nào của các thiết bị tra cứu ngôn ngữ như từ điển. Bởi vậy, nếu muốn trở thành phiên dịch viên giỏi thì một phiên dịch cần phải luôn trau dồi khả năng ngôn ngữ của mình mỗi ngày.
Dịch thuật viên cần có ngôn ngữ thông thạo
✓ Khả năng giao tiếp:
Khác với hình thức biên dịch hay còn gọi là dịch viết, phiên dịch hay dịch nói là công việc đòi hỏi rất cao khả năng diễn đạt trôi chảy, lưu loát, rõ ràng, mạch lạc và chính xác một vấn đề. Việc phiên dịch thiếu mạch lạc có thể dẫn đến sự nhầm lẫn không đáng có hay khiến người nghe cảm thấy khó chịu về cách sử dụng từ ngữ không hợp ngữ cảnh. Người nghe thường đánh giá khả năng phiên dịch của một phiên dịch viên trước tiên ở phần thể hiện bề ngoài. Tự tin giao tiếp sẽ giúp người nghe có ấn tượng tốt với phiên dịch viên và có suy nghĩ đó là phiên dịch viên giỏi. Do đó, khi phiên dịch, phiên dịch viên nên vui vẻ, giao tiếp tự nhiên, thoải mái.
✓ Kiến thức tổng quát:
Một phiên dịch viên giỏi là một phiên dịch viên có thể xoay xở được trong mọi tình huống khác nhau: phiên dịch trong giao tiếp thường ngày, trong hội thảo, trong cuộc họp,.... Sự phong phú, đa dạng của các lĩnh vực dịch thuật đòi hỏi phiên dịch viên nếu muốn tiến xa hơn trong nghề thì cần phải có những kiến thức bao quát về tất cả các lĩnh vực. Hơn nữa, có kiến thức và am hiểu về văn hóa các vùng miền, quốc gia, dân tộc cũng là điều cực kì cần thiết đối với phiên dịch viên, giúp phiên dịch viên không chỉ hiểu sâu sắc ngôn ngữ mà còn có thể truyền đạt mạch lạc, dễ hiểu, đem lại cảm giác thân thuộc như đúng người bản ngữ đang nói. Có như thế, phiên dịch viên mới có thể trở thành phiên dịch viên giỏi.
Tìm hiểu thêm: Những yếu tố cần có trong dịch vụ dịch thuật
✓ Kiến thức chuyên ngành: Không chỉ cần kiến thức bao quát nhiều ngành nghề, lĩnh vực, kiến thức chuyên ngành sâu rộng cũng rất cần thiết. Điều này cực kì dễ hiểu. Nếu phiên dịch viên ngành nào cũng biết một chút ngôn ngữ nhưng lại không am hiểu mọi thuật ngữ trong ngành thì khi phiên dịch sẽ lộ ra nhiều khuyết điểm. Trong khi đó, nếu am hiểu sâu sắc một vấn đề, phiên dịch viên sẽ dễ dàng ứng phó được với các tình huống đặc biệt mà không hề vấp váp, khó khăn hay thiếu tự tin.
Có thể nói, phiên dịch viên giỏi là sự kết hợp hài hòa và hoàn hảo của nhiều yếu tố. Trên hết, nếu muốn tiến xa hơn và gắn bó lâu dài với nghề phiên dịch, phiên dịch viên cần luôn luôn trau dồi kĩ năng, kinh nghiệm, ngôn ngữ và vốn hiểu biết. Có như vậy thì khả năng phiên dịch mới có thể ngày càng đi lên được.