Các kỹ thuật cần có cho một bài dịch hay
Biên phiên dịch không phải chỉ đơn thuần là việc chuyển tải lời nói từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Hơn thế, đây là một công việc tương đối khó và thách thức, đòi hỏi ngôn ngữ sau khi được dịch ra phải đảm bảo độ mượt mà, đọc không khúc mắc, thiếu tự nhiên như một người nước ngoài đang nói. Vốn là một công việc mà đạo đức nghề nghiệp luôn được đặt lên hàng đầu, để trở thành một biên phiên dịch giỏi và có lương tâm thì bài dịch cần phải đảm bảo được những đặc điểm và kỹ thuật sau:
1. Đặc điểm của một bài dịch hay
Một bài dịch hay, dù là thuộc ngôn ngữ gì nữa, cũng cần đạt được 3 yếu tố: Tín - Đạt - Nhã.
Tín (faithfulness): một bài dịch luôn phải trung thành với nguyên bản, không được tự biên tự diễn, thêm ý hay bỏ sót ý. Lỗi này thường xảy ra với những biên dịch viên thiếu kiến thức và kinh nghiệm, do không hiểu rõ ý của ngôn ngữ gốc nên lờ đi không dịch hay tự dịch theo ý của mình. Tuy nhiên, muốn bài dịch của mình được người khác chấp nhận thì phải dịch một cách trung thực, hoàn toàn chỉ truyền đạt ý có trong bài và chỉ đúng ý trong bài mà thôi.
Đạt (accuracy): Không chỉ đảm bảo tính trung thực trong bài viết, bài dịch cũng cần phải đảm bảo được độ chính xác, không làm sai lệch ý của tác giả dù bản dịch có thoát ý đi chăng nữa.
Nhã (good form): do việc dịch là việc truyền tải ngôn ngữ nguồn sang ngôn ngữ đích, mục đích là để những người không biết ngôn ngữ gốc nhưng thông thạo ngồn ngữ đích có thể hiểu được. Do đó, bài dịch cần phải tự nhiên, thanh thóa, hợp với văn phong, tập quán, văn hóa của người bản xứ, tránh tình trạng dịch “word for word” (dịch sát từ).
Bài dịch hay cũng cần phải đảm bảo những nguyên tắc nhất định
Tóm lại, 3 nguyên tắc này phải luôn luôn đồng hành cùng nhau, không thể chỉ đảm bảo được yếu tố này mà lại quên yếu tố kia. Có như vậy, bài dịch mới đạt đến độ hay và chính xác được.
2. Kỹ thuật dịch
Dựa vào đặc điểm của một bài dịch hay, chúng ta có thể đưa ra một số kỹ thuật tương ứng trong biên phiên dịch. Mặc dù biên dịch (dịch viết) và phiên dịch (dịch nói) khác nhau ở chỗ: đối với dịch nói thì phản xạ dịch phải nhanh trong khi biên dịch thì không cần nên đôi khi ngôn ngữ trong dịch nói không cần thiết phải quá nhuần nhuyễn như dịch viết (dịch viết thì đòi hỏi phải trau chuốt từng từ ngữ), sẽ khiến câu nói có phần thiếu tự nhiên, không hợp với văn phong nói. Dù vậy đi chăng nữa thì đối với cả hai loại dịch, nếu muốn bài dịch hay vẫn cần tuân theo các kỹ thuật sau:
Tìm cấu trúc tương đương giữa hai ngôn ngữ: điều này giúp bản dịch sát nghĩa với bản gốc và đảm bảo được sự tự nhiên, quen thuộc với người bản địa.
Ví dụ: It takes me 2 hours to fly to Da Nang. (Chúng tôi mất 2 tiếng để bay vào Đà Nẵng/ Chúng tôi mất 2 tiếng đến Đà Nẵng bằng máy bay)
Chọn đúng từ, phù hợp với phong cách, ngữ cảnh câu nói: điều này giúp bản dịch trở nên hấp dẫn, tự nhiên, thu hút người đọc, người nghe cũng như giúp câu nói phù hợp với văn cảnh.
Ví dụ: dịch từ “married” sang tiếng Việt. Tùy vào từng ngữ cảnh mà từ này có thể được dịch với những phong cách khác nhau như:
-
Phong cách sang trọng: đẹp duyên, thành hôn, sánh duyên
-
Phong cách trung hòa: lập gia đình, xây dựng gia đình, kết hôn
-
Phong cách suồng sã: lấy chồng, lấy vợ hay thậm chí là “xuất chuồng” theo cách nói hài hước.
Tránh dịch sát từ (dịch word for word) khiến câu văn trở nên thô, tối nghĩa, ngớ ngẩn và không tự nhiên.
Ví dụ: Imagine yourself: Anh hãy thử hình dung (thay vì dịch: anh hãy tưởng tượng chính mình)