Sự phát triển của công nghệ tiên tiến chính là tiền đề thúc đẩy hàng loạt phần mềm hữu ích được phát minh, nhằm giúp cuộc sống của con người trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hầu hết các phần mềm tuyệt vời nhất hiện nay đều chỉ được sáng tạo với một ngôn ngữ gốc. Đây chính là cản trở lớn nhất đối với người dùng không biết ngôn ngữ đó. Hơn thế, điều này cũng làm giảm đi cơ hội toàn cầu hóa của phần mềm. Bởi vậy, địa phương hóa phần mềm ra đời và trở thành một phần không thể thiếu giúp xóa đi mọi rắc rối đang tồn tại.
Địa phương hóa phần mềm là gì?
Địa phương hóa phần mềm là quá trình biến đổi phần mềm cho phù hợp với những yêu cầu về ngôn ngữ, văn hóa, kỹ thuật của thị trường mục tiêu. Nhiều người thường nhầm lẫn địa phương hóa phần mềm với dịch vụ dịch thuật phần mềm nhưng trên thực tế, dịch thuật chỉ là một bước nhỏ, dù vô cùng quan trọng, trong cả quá trình địa phương hóa phần mềm.
Địa phương hóa phần mềm
Quá trình địa phương hóa phần mềm chuẩn
Để một phần mềm được địa phương hóa thì phần mềm đó cùng toàn bộ những tài liệu liên quan đến nó đều phải được dịch và thay đổi cho phù hợp với thị hiếu của dân bản địa trên thị trường mục tiêu. Để làm được điều này thì địa phương hóa phần mềm cần phải đảm bảo tuân thủ quá trình được tiêu chuẩn hóa với những bước cơ bản sau:
✔ Phân tích tài liệu, xác định các nguồn và công cụ cần thiết cho quá trình địa phương hóa.
✔ Phân tích các yếu tố văn hóa, kỹ thuật và ngôn ngữ tại thị trường mục tiêu
✔ Thiết lập một bản chú giải thuật ngữ
✔ Chỉnh sửa giao diện người dùng cho phù hợp như thiết lập lại hình thức và kích thước các hộp hội thoại theo yêu cầu
✔ Địa phương hóa đồ họa, chữ hiển thị, các kí hiệu,...
✔ Biên soạn và xây dựng một bản địa phương hóa thử nghiệm
✔ Đảm bảo chất lượng về ngôn ngữ và các chức năng phần mềm
✔ Bàn giao sản phẩm
Tầm quan trọng của địa phương hóa phần mềm
Địa phương hóa phần mềm không hề là một tiến trình dễ dàng với rất nhiều bước nhỏ khá phức tạp. Tuy nhiên, đây lại là công việc đáng để bỏ thời gian và công sẽ thực hiện bởi nó có nhiều lợi ích quan trọng. Như chúng ta đã biết, thị trường nội địa thường hạn chế và không thể thỏa mãn tốc độ phát triển phần mềm không ngừng như hiện nay. Và một khi thị trường nội địa đã bão hòa, nếu doanh nghiệp không xem xét đến việc mở rộng phạm vi ra thị trường quốc tế thì chắc chắn đó chính là bước đường cùng trong sự nghiệp kinh doanh của doanh nghiệp. Thị trường quốc tế rộng lớn và đa dạng có thể cung cấp cho các doanh nghiệp một lượng lớn khách hàng không giới hạn và không bao giờ cạn với nhu cầu và thị hiếu riêng biệt.
Tuy nhiên, khách hàng toàn cầu cũng rất kén chọn. Nếu bạn cứ giữ nguyên sản phẩm của mình trên thị trường thế giới mà không hề biến đổi chút nào thì bạn sẽ không thể thu hút được nhiều khách hàng. Hơn nữa, khách hàng thường có xu hướng lựa chọn và tiêu dùng sản phẩm quen thuộc về ngôn ngữ và phù hợp về văn hóa với họ. Thử tưởng tượng bạn có một phần mềm vô cùng tuyệt vời và bạn chắc chắn người dùng sẽ mê mệt nó; tuy nhiên, phần mềm của bạn lại chỉ cung cấp một ngôn ngữ gốc, chính là ngôn ngữ mẹ đẻ của bạn thì chắc chắn, bạn sẽ không thể tiếp cận được khách hàng toàn cầu. Lí do rất đơn giản, dù phần mềm của bạn có hấp dẫn và thú vị đến đâu đi chăng nữa nhưng nó cũng sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu người dùng không hiểu được nó. Mặt khác, một phần mềm được chỉnh sửa cho phù hợp với ngôn ngữ và văn hóa của khách hàng thì chắc chắn sẽ giành được cảm tình và sự tin tưởng của họ.