Tục ngữ Việt Nam có câu: “Mỗi người đều có một nghề/ Con phượng thì múa, con nghê thì chầu.” Mỗi người đều có sự lựa chọn riêng về công việc của mình với những đặc thù nghề nghiệp khác nhau. Nhưng trên hết, nghề nào cũng luôn ẩn chứa những áp lực cho con người. Trong riêng lĩnh vực dịch thuật thì dịch thuật viên trong nghề cũng luôn phải đối mặt với rất nhiều nỗi lo không tên.
Những nỗi lo không tên của dịch thuật viên
Nỗi lo dịch không chính xác
Có lẽ đây được coi là nỗi lo chung số 1 của các dịch thuật viên. Được mệnh danh là sứ giả ngôn ngữ, dịch thuật viên đôi khi biến thành những người “cầm cân nảy mực” với trọng trách rất lớn. Tại sao có thể định nghĩa họ như vậy, bởi việc truyền tải thông điệp từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác như thế nào là quyền của họ. Dù vẫn biết nguyên tắc và đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ dịch thuật đòi hỏi dịch thuật viên luôn phải dịch trung thành với thông điệp gốc. Tuy nhiên, sai sót trong dịch thuật không phải chưa từng xảy ra. Có những trường hợp dịch thuật viên dù không nghe rõ, không hiểu rõ nhưng vẫn cố gắng dịch thông điệp, dẫn đến dịch sai, dịch nhầm thành những ý tai hại. Đó chắc chắn là điều không ai mong muốn, đặc biệt là với những dịch thuật viên có đạo đức.
Yêu cầu công việc của dịch thuật viên thường rất cao. Hơn nữa, dịch thuật đôi khi cũng được coi như có mối liên hệ chặt chẽ với văn học. Dịch không đơn thuần chỉ cần đúng, mà còn cần cả hay. Như vậy, những dịch thuật viên thông thạo ngôn ngữ, hiểu ý văn bản gốc hay thông điệp gốc, nhưng lại không có vốn văn nhất định, thì sản phẩm tạo ra sẽ không được hưởng ứng, thậm chí còn bị chê bai. Hay có những khi, với những người có tài văn chương một chút, họ lại dễ dàng lạm dụng vốn văn của mình mà dịch văn bản từ một văn bản rất bình thường sang một văn bản với ngôn từ quá chải chuốt và không phù hợp, đặc biệt là trong những tác phẩm dịch thuật văn học. Nhiều trường hợp vẫn thấy cách dịch thuật của nhiều dịch giả có phần hơi “hư cấu”, bởi nó trông có vẻ văn vẻ, nhưng lại không sát với ngôn từ gốc mà tác giả sử dụng. Điều đó đủ hiểu, mức độ áp dụng văn chương và cách sử dụng ngôn từ trong dịch thuật cũng được coi là một thách thức đối với dịch thuật viên.
Một điều quan trọng nữa, mỗi người đều có cách cảm nhận cũng như thẩm mĩ khác nhau. Cùng là một thông điệp đấy, nhưng cách dịch khác nhau, sẽ vẫn dẫn đến những tranh cãi, xung đột. Người này chê người kia dịch không hay, không văn vẻ, dịch như “google dịch”, hay không hiểu tác phẩm dịch... Đơn giản, ngay cả một tác phẩm văn học nổi tiếng cũng không thể đòi hỏi tất cả mọi người đều yêu thích tác phẩm đó và cùng hiểu theo một nghĩa khác nhau, nếu không đã không có sự xuất hiện và tồn tại của nhiều thể loại văn học khác nhau, nhiều tác phẩm khác nhau, và cũng chắc có sự xuất hiện của “bình luận văn học” với những cách bình luận mà ngay cả đến bản thân tác giả khi viết cũng không ngờ tới. Bởi vậy, việc chê bai bản dịch của người khác chỉ do gu thẩm mĩ và cách cảm nhận khác biệt nhau thì có phần hơi kệch cỡm. Tuy nhiên, bất kì điều gì dẫn đến sự tranh cãi có thể xảy ra thì đều trở thành một nỗi lo của dịch thuật viên. Sợ bị chê bai, sợ bị nói dịch sai, sợ bị nói thiếu năng lực. Đấy là những điều rất hiển nhiên của dịch thuật viên.
Vẫn biết mỗi người mỗi nghề và một khi đã bước vào nghề thì phải chấp nhận những khó khăn, thách thức của nghề đó, nhưng với dịch thuật viên, nỗi lo thường trực như vậy chắc hẳn sẽ khiến họ rất mệt mỏi. Do đó, dịch thuật viên cần cố gắng đọc nhiều hơn, bổ sung lỗ hống kiến thức cũng như cố gắng học tập những dịch thuật viên “gạo cội” để tránh lâm vào tình cảnh bế tắc không lối thoát.