Phiên dịch là một loại hình dịch thuật tương đối khó và nó có các loại phương pháp dịch khác nhau tùy vào các điều kiện và môi trường giao tiếp. Về cơ bản, có 4 phương pháp phiên dịch được sử dụng phổ biến đó là: dịch đuổi, dịch song song, dịch tiếp sức và dịch thầm.
Trong một cuộc hội thoại liên ngôn ngữ, vai trò của người phiên dịch giống như chiếc cầu nối để hai bên giao tiếp hiểu được nhau, nắm rõ quan điểm, cảm nhận thái độ của đối phương để phản hồi lại. Quá trình giao tiếp bằng lời nói diễn ra một cách nhanh chóng, tức thời nên phiên dịch viên cần có kỹ năng tư duy nhạy bén, diễn đạt có cảm xúc và mạch lạc. 4 cách phiên dịch cơ bản dưới đây có những ưu – khuyết điểm riêng, đòi hỏi người dịch chủ động vận dụng chúng một cách phù hợp khi dịch để dịch hiệu quả hơn.
1. Dịch Đuổi
Dịch đuổi còn gọi là dịch nối tiếp, đây là loại hình phiên dịch được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Nói nôm na, phiên dịch viên sẽ “đuổi” theo để dịch lại ý tưởng truyền đạt của diễn giả qua một câu, một ý, một đoạn hoặc cả phần nói khi diễn giả vừa chấm dứt câu, ý, đoạn, phần đó.
Để quá trình dịch diễn ra suôn sẻ, người phiên dịch có thể bàn bạc với người nói để biết xem họ sẽ dừng ở đâu, hoặc yêu cầu họ lặp lại, làm rõ nghĩa nhằm giúp người phiên dịch lẫn người nghe dễ dàng bắt được mạch câu chuyện.
Cách thức phiên dịch này phù hợp cho không gian hẹp, ít người tham gia và mọi người có thể dễ dàng trao đổi, giao tiếp với nhau, chẳng hạn như: cuộc họp báo, phỏng vấn, thuyết trình,… Độ dài đoạn dịch và khoảng nghỉ sẽ “tỉ lệ thuận” với mức độ trang trọng của sự kiện.
Đặc điểm của phương pháp này, đứng ở góc độ người dịch chính là khả năng ghi nhớ, sắp xếp và hệ thống các dữ kiện được nghe. Còn ở vị trí người nghe, dịch nối có thể làm mất rất nhiều thời gian của họ, bởi ngoài thời gian diễn giả nói còn phải tính cả thời gian dịch của phiên dịch viên, mà thời gian phiên dịch viên nói thì thường xấp xỉ ⅔ đến ¾ thời gian diễn giả thuyết trình.
Xem thêm: Lợi ích của dịch thuật công chứng đối với xã hội hiện nay
2. Dịch Song Song
Dịch song song còn gọi là dịch cabin, hay phiên dịch đồng thời. Đây là đỉnh cao của các loại hình phiên dịch bởi độ khó nhằn, các yêu cầu cao đối với người phiên dịch cũng như hiệu quả ưu việt mà nó mang lại.
Dịch song song đòi hỏi phiên dịch viên phải nghe phần nói của diễn giả và chuyển tải thông tin đó đồng thời đến người tiếp nhận. Nói cách khác, người phiên dịch và người phát biểu sẽ nói song song với nhau.
Vì đặc điểm này, cho nên người phiên dịch cần sự hỗ trợ của các thiết bị để không làm sót lọt thông điệp. Họ phải ngồi trong cabin, đeo headphone để nghe phần thuyết trình của diễn giả và truyền đạt lại thông qua micro. Chính vì yếu tố “song song” mà người phiên dịch phải có khả năng ứng biến và thành thạo hai ngôn ngữ ở trình độ cao, bởi họ không có thời gian để suy nghĩ và lựa chọn từ ngữ. Ngôn từ phải được trữ sẵn trong “kho tàng” kiến thức của họ.
Phiên dịch cabin trong nhiều trường hợp sẽ là điểm mấu chốt cho sự thành công của một sự kiện. Cách thức này thường được sử dụng trong những ngữ cảnh trang trọng với lượng người tham gia khá lớn, chứ không đơn thuần chỉ là ngữ cảnh giao tiếp thân mật thông thường. Phiên dịch cabin đảm bảo tốc độ buổi làm việc, cuộc họp, hay hội thảo, sẽ diễn ra đúng theo khung thời gian của nó.
3. Dịch Tiếp Sức
Về cơ bản, dịch tiếp sức có đặc điểm tương tự như dịch cabin, phiên dịch viên cũng sẽ dịch song song với diễn giả với sự hỗ trợ của các thiết bị trong cabin dịch. Tuy nhiên, dịch tiếp sức phức tạp hơn, bởi số lượng ngôn ngữ cần dịch thường nhiều hơn hai. Loại hình phiên dịch này thường được sử dụng trong các buổi hội họp quốc tế, với sự tham gia của nhiều quốc gia.
Để hình dung về loại hình dịch thuật này, ta lấy ví dụ trong hội nghị có đại biểu của 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Hoa Kỳ dự. Sẽ có 3 cabin dịch cần cho trường hợp này, sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chung, đó là các cabin dịch Anh-Việt, Anh-Lào, Anh-Campuchia.
Bước đầu tiên của quá trình dịch tiếp sức sẽ là loại hình dịch song song, khi đại biểu nói tiếng Anh, tất cả 3 phiên dịch đồng thời dịch sang các tiếng Việt, Lào, Campuchia cho đại biểu các nước này nghe. Kế đến, khi một đại biểu của Việt Nam lên phát biểu thì lúc này cần phải tiến hành dịch tiếp sức (relay) và vẫn lấy tiếng Anh làm trung gian, cụ thể như sau:
Người phiên dịch ở cabin tiếng Việt sẽ dịch lời nói của diễn giả sang tiếng Anh. Lúc này, các phiên dịch viên ở cabin Anh-Lào, Anh-Campuchia sẽ phải nghe tiếng Anh của phiên dịch từ cabin tiếng Việt và chuyển dịch sang tiếng Lào và tiếng Campuchia Còn đại biểu Hoa Kỳ thì nghe trực tiếp tiếng Anh từ phiên dịch cabin Trung-Anh.
Quy trình có vẻ không phức tạp, tuy nhiên, nếu không cẩn thận thì tình huống “tam sao thất bản” rất dễ diễn ra.
Ngoài các loại hình phiên dịch nêu trên, phiên dịch còn có thể được chia ra thành nhiều loại khác nữa dựa vào các bối cảnh và yêu cầu riêng của công việc như: dịch đàm phán thương mại, phiên dịch qua điện thoại, phỏng vấn, phiên dịch đi thực tế, v.v…
4. Dịch Tiếp Cận
Phiên dịch tiếp cận thường được sử dụng trong ngữ cảnh chỉ có hai bên tham gia vào cuộc nói chuyện bằng hai ngôn ngữ khác nhau. Yếu tố “tiếp cận” ở đây gợi lên không gian thân mật, gần gũi chẳng hạn như giữa hai cá nhân riêng lẻ; hai nhóm nhỏ hay một cá nhân với một nhóm nhỏ.
Nhiệm vụ của phiên dịch viên trong dịch tiếp cận sẽ là dịch cả hai ngôn ngữ, từ ngôn ngữ của người này sang ngôn ngữ của người kia và ngược lại. Do vậy, người phiên dịch sẽ phải thông thạo cả hai ngôn ngữ và có khả năng nói lưu loát.
Thoạt nghe qua thì phien dich tiếp cận gần giống với hình thức phiên dịch nối tiếp, nhưng hai loại hình này vẫn có những điểm khác biệt hoàn toàn do ngôn ngữ mà phiên dịch viên phải nói là khác nhau.
Đây là 4 phương pháp dịch cơ bản mà bạn nên biết. Tùy từng ngữ cảnh mà người ta có các phương pháp dịch khác nhau. Để có được một buổi phiên dịch hiệu quả bạn cần biết chọn cách dịch nào là phù hợp cho mình nhé.